Quyết định số:
34/2011/NQ-HĐND
Trích yếu:
Về Chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016
Thuộc tính văn bản:
Thể loại văn bản |
Nghị quyết
|
Số kí hiệu |
34/2011/NQ-HĐND |
Cơ quan ban hành |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
|
Ngày ban hành |
26/07/2011 |
Người ký |
Khác
|
Ngày hết hạn |
Không giới hạn |
Nội dung
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 03/TTr-HĐND, ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu
a) Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương
HĐND tỉnh thực hiện chức năng quyết định thông qua việc xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm khai thác mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Đảng, thực thi pháp luật của Nhà nước, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, việc xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh cần bám sát một số định hướng sau:
- Đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 và các văn bản quy định khác của Trung ương.
- Tập trung cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, góp phần đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đặc biệt là tập trung triển khai có hiệu quả 03 chương trình hành động mang tính đột phá của tỉnh trong nhiệm kỳ 2010-2015, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các lĩnh vực trọng yếu của tỉnh, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế; huy động nguồn lực trong dân để tập trung phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, chỉnh trang, tái thiết, xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
b) Thực hiện chức năng giám sát của HĐND tỉnh
Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh được tiến hành thường xuyên, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Theo quy định, HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân, Tóa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và của công dân ở địa phương. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh sẽ tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
* Hoạt động giám sát tại kỳ họp của HĐND tỉnh
Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh thực hiện quyền giám sát thông qua việc xem xét báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tóa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Ngoài ra, giám sát tại kỳ họp còn được thực hiện thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại các kỳ họp trong nhiệm kỳ 2011-2016 cần tập trung vào những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm, nhất là một số vấn đề như: Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước; tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng cơ bản; kết quả triển khai các chương trình, dự án trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân; biện pháp kéo giảm tội phạm hình sự và tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội …
* Hoạt động giám sát giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh
Ngoài việc giám sát thường xuyên việc thực thi và chấp hành pháp luật, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh còn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề theo từng lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số trọng tâm sau:
- Lĩnh vực kinh tế và ngân sách:
+ Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực);
+ Việc đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (hạ tầng giao thông, điện, nước, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế…);
+ Công tác quản lý, điều hành thu – chi ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
+ Việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm đầu tư giai đoạn 2011-2015;
+ Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo quy định, hướng dẫn của Trung ương và địa phương;
+ Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường.
- Lĩnh vực văn hóa - xã hội:
+ Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;
+ Công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, thể dục – thể thao;
+ Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân;
+ Việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Trung ương và địa phương.
- Lĩnh vực pháp chế:
+ Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
+ Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và dân sự;
+ Công tác cải cách tư pháp;
+ Công tác cải cách hành chính;
+ Việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của công dân (tập trung giám sát các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân).
c) Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân
Song song với việc tập trung thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh còn tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri và tiếp công dân; tổ chức xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
d) Hoạt động của chương trình “Tiếng nói cử tri”
Thường trực HĐND tỉnh chủ trì phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục xây dựng và phát sóng định kỳ hàng tuần chương trình “Tiếng nói cử tri”. Đây là cầu nối giữa cử tri với các cấp chính quyền, góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân địa phương, đồng thời phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc của cử tri đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
2. Một số giải pháp
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
a) Tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh. Trong đó, đặt biệt quan tâm đến công tác phối hợp chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp; việc xây dựng chương trình xây dựng nghị quyết hàng năm và việc chuẩn bị nội dung trình kỳ họp; việc soạn thảo và ban hành nghị quyết; việc thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp; phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ của đại biểu trong việc xem xét, thảo luận và quyết định.
b) Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát đối với việc thực hiện các nghị quyết HĐND và các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trọng tâm là tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước cùng cấp với kiểm tra, khảo sát tại cơ sở, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, bức xúc, những vấn đề mà nhân dân và cử tri quan tâm. Tích cực đôn đốc các cơ quan, đơn vị giải quyết các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát theo luật định.
c) Cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân. Chú trọng thực hiện tốt việc tổng hợp, rà soát, phân loại và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri kịp thời; tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
d) Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Thường trực HĐND tỉnh với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh.
đ) Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh. Bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh.
Điều 2. Chương trình này là định hướng chung trong hoạt động của HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh căn cứ vào chương trình này, quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 4. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua./.