Thể loại văn bản | Chỉ thị |
Số kí hiệu | 08/CT-UBND |
Trích yếu | Về Công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 trên địa bàn tỉnh |
Cơ quan ban hành | ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ngày ban hành | 18/06/2010 |
Ngày hết hạn | Còn hiệu lực |
Người ký | Khác |
CHỈ THỊ
Về Công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão
và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 trên địa bàn tỉnh
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Tây Ninh trung tuần tháng 5 là giai đoạn chuyển mùa, mùa mưa bắt đầu vào nửa cuối tháng 5 muộn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 10 đến 15 ngày, trong mùa mưa có khả năng xảy ra 03 đợt ít mưa là nửa cuối tháng 6 đầu tháng 7 và cuối tháng 8. Tháng có mưa nhiều 7, 9 và tháng 10, thời kỳ này gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh kết hợp với rãnh thấp xích đạo hay bão trên biển Đông, lượng mưa các tháng xấp xỉ và thấp hơn TBNN. Tổng lượng mưa năm 2010 xấp xỉ và thấp hơn TBNN (1700 đến 1900 mm). Nền nhiệt độ xấp xỉ và cao hơn TBNN từ 01 đến 02 độ. Từ cuối tháng 3 và tháng 4 đầu tháng 5 là thời kỳ nắng nóng cao điểm ở khu vực. Trong thời kỳ này tình hình khô hạn vẫn còn khá gay gắt mặc dù có mưa trái mùa. Các đợt nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng. Số đợt nắng nóng nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2009, nhiệt độ cao nhất vào khoảng 37 đến 390C.
Dự báo trong năm 2010 số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông ảnh hưởng đến Việt Nam từ 05 đến 06 cơn tương đương với năm 2009, khu vực tỉnh Tây Ninh chịu ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão, mực nước cao nhất tại cầu Cần Đăng đạt 10,0 m-10,5 m xuất hiện cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, mực nước cao nhất tại Gò Dầu 0,90-1,05 m, Thị xã 1,9-2,2 m xuất hiện vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.
Để chủ động phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2010 có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ và các sự cố, tai nạn có thể xảy ra trong mùa mưa bão, nhất là thiệt hại về người, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã khẩn trương thực hiện những công việc như sau:
1. Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg, ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai; Chỉ thị số 808/CT-TTg, ngày 07 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2010; Chỉ thị số 1250/CT-BNN-TCTL, ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Đảm bảo an toàn công trình hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2010.
2. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão các sở, ban, ngành, huyện, thị xã tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó với lụt, bão, thiên tai năm 2009, phát huy những ưu điểm, những công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với lụt, bão, thiên tai ngay tại cơ sở. Chủ động bố trí phương tiện và dự phòng lương thực, thuốc men theo phương châm “4 tại chỗ”. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh (Chương trình kế hoạch hành động số 72/UBND-KTN, ngày 12 tháng 01 năm 2009 của UBND tỉnh).
3. Khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão các sở, ban, ngành, huyện, thị xã theo Nghị định số 14/2010/NĐ-CP, ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương, theo hướng thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai ở mỗi cấp, mỗi ngành, đảm bảo kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, xử lý có hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; hình thành các tiểu ban chuyên môn trực thuộc Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị.
4. UBND các huyện, thị xã:
a) Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, hoàn thành dứt điểm các công trình phòng, chống lụt, bão năm 2009 đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình trong quý II năm 2010; đồng thời triển khai nhanh các công trình năm 2010 khi có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng phải tổ chức phân công đơn vị quản lý để thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp sử dụng, lấn chiếm, xâm hại công trình theo đúng quy định hiện hành.
b) Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, tránh, ứng phó lụt, bão, thiên tai, đặc biệt là kiểm tra, cập nhật các địa điểm xung yếu, vị trí an toàn, số hộ dân, số dân phải sơ tán, di dời khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra. Tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng, an toàn, hướng dẫn người dân chủ động di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn, thuận tiện nhất khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, phối hợp, hiệp đồng với chủ các phương tiện cơ giới trên địa bàn để kịp thời huy động, trưng dụng khi cần thiết. Tại các địa điểm tạm cư phải được tổ chức chu đáo, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, điều kiện sinh hoạt, đảm bảo môi trường, vệ sinh cho người dân.
c) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh về huy động các nguồn lực tại địa phương theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu do quả do thiên tai xảy ra trên địa bàn.
5. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
a) Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham mưu, giúp UBND tỉnh việc điều hành, xử lý có hiệu quả trong việc đối phó với lũ, bão, thiên tai; kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả; chỉ đạo đối phó với các tình huống khẩn cấp về lũ, bão, thiên tai cho từng vùng.
b) Triển khai Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2010 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai (Trực tiếp, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sổ tay, tờ bướm…) cho cộng đồng dân cư để người dân luôn tự ý thức chủ động phòng, chống ứng phó đạt hiệu quả, kịp thời ngay khi có cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi trước lũ năm 2010 và hoàn thành kế hoạch xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo tiến độ. Đồng thời khẩn trương cho tiến hành khảo sát, xác định năng lực tiêu thoát nước hệ thống tiêu ngoài vùng thủy lợi Dầu Tiếng. Tăng cường sự phối hợp với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất mùa vụ, nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sản xuất ở các vùng thường bị lũ lụt, nạo vét giải tỏa các vật cản trên kênh tiêu, chống ngập úng cục bộ, chỉ đạo việc điều tiết nước trong kênh an toàn, hợp lý trong mùa mưa lũ.
7. Đối với vùng trọng điểm, công trình trọng điểm như: Hồ nước Dầu Tiếng, hồ nước Tân Châu, hồ suối Nước Trong, hệ thống tưới tiêu, vùng ven sông Vàm Cỏ Đông, ven sông Sài Gòn, ven rạch Tây Ninh, những tuyến giao thông xung yếu, khu tập trung đông dân cư thị trấn Tân Biên, thị trấn Tân Châu các khu vực vùng sâu biên giới, hẻo lánh… Cần được kiểm tra kỹ, có phương án kế hoạch toàn diện, đối phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
- Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa có kế hoạch cụ thể để điều tiết nước tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm tích đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng; Tăng cường kiểm tra an toàn công trình hồ chứa trước mùa mưa lũ năm 2010, có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình Hồ nước, cảnh báo kịp thời cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng hạ lưu bị ảnh hưởng trực tiếp, trước khi xả lũ.
- Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh tổ chức triển khai kịp thời đến các Xí nghiệp, Trạm, đội thủy nông các huyện, thị xã, thường xuyên kiểm tra công trình trong mùa mưa lũ, điều tiết nước trong kênh an toàn hợp lý, trong mùa mưa lũ, thường xuyên kiểm tra các đoạn kênh xung yếu, thực hiện nghiêm túc việc bố trí cán bộ chuyên kênh thường xuyên trực 24/24 giờ bảo vệ, điều tiết trong mùa mưa, lũ hợp lý không để vượt thiết kế gây ảnh hưởng đến an toàn công trình
8. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Tây Ninh: Tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, nâng cao chất lượng dự báo Khí tượng thủy văn. Đặc biệt là dự báo sớm các tình huống diễn biến các cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh và có thể gây nên lũ lụt trong địa bàn tỉnh và cung cấp thông tin liên tục, kịp thời nhằm giúp cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xử lý các tình huống trong công tác phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn nhất là điều tiết lũ đảm bảo an toàn cho hồ nước Dầu Tiếng.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh có kế họach và xây dựng phương án cụ thể về tìm kiếm cứu nạn, bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu sự cố cho vùng trọng điểm, xử lý các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội.
10. Sở Thông tin và Truyền thông: Tổ chức quán triệt và chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác phòng, chống lụt, bão giảm nhẹ thiên tai, có phương án đảm bảo thông tin liên lạc suốt 24/24 giờ.
11. Sở Giao thông Vận tải: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các phương tiện hoạt động trên sông; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm đăng ký tàu thuyền, trang bị cần thiết đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, kiên quyết đình chỉ các hoạt động đối với phương tiện không đảm bảo an toàn, không có các phương tiện bảo vệ người khi hoạt động trên sông. Đồng thời chỉ đạo điều hành tiến độ thi công các công trình giao thông hợp lý, tránh tình trạng khi có mưa lớn gây ra tắc đường giao thông, ngập úng khu dân cư, sản xuất của nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện ứng cứu khi có sự cố thiên tai xảy ra.
12. Điện lực Tây Ninh: Có kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế và hạ thế, các trạm biến thế, bình điện, trụ cột, đường dây, giải toả các vật cản trong hành lang an toàn, chặt phát cây đề phòng cây đổ, chạm vào dây điện gây tai nạn nguy hiểm, kiểm tra gia cố thêm các chân, móng trụ điện, neo, chằng đặc biệt trên các tuyến đường dây nằm trên nền đất yếu dễ sạt lở và vùng đất bị ngập. Phải đảm bảo cung cấp điện thường xuyên phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Có lượng vật tư dự trữ cần thiết để khắc phục nhanh nhất khi có thiên tai, đảm bảo các điều kiện vận hành an toàn, ứng trực sẵn sàng xử lý các sự cố. Phải bảo đảm cung ứng nguồn điện liên tục 24/24 giờ để vận hành công trình đầu mối hồ nước Dầu Tiếng và cho bộ phận thường trực phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trong suốt mùa mưa lũ.
13. Các ngành: Y tế, Công thương, nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với chính quyền địa phương có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng dự trữ đủ số thuốc phòng, chống dịch bệnh cho người; cây trồng, vật nuôi, đồ dùng và các nhu yếu phẩm cần thiết để cung cấp, cứu trợ cho nhân dân khi có lũ lụt, thiên tai xảy ra.
14. Các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao cần tăng cường công tác chỉ đạo, có kế hoạch thực hiện cụ thể và hoàn thành tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả lụt, bão năm 2010.
15. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi chặt chẽ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai của các sở, ngành, các địa phương huyện, thị xã, tổng hợp tình hình thiệt hại do lũ bão gây ra, đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ kịp thời về tài chính và vật chất cho các ngành và các địa phương để khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai.
16. Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền tin, phổ biến kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo, các chủ trương, chỉ thị mệnh lệnh về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng tránh thiên tai để mọi nguời dân có kiến thức chủ động tham gia phòng tránh và khắc phục có hiệu quả.
17. Các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp theo chức năng nhiệm vụ được giao, tổ chức làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để phối hợp tham gia việc phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo sự điều động của Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và phải báo cáo thường xuyên, kịp thời về UBND tỉnh và Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo quy định.
Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thảo